Cách phòng và trị nấm mốc nhanh gọn của thợ da

Những vết mốc trên túi, ví da, hay giày, bốt, áo da… hẳn vẫn thường làm phiền bạn vào những ngày tiết trời nồm ẩm. Hãy cùng HAT+ đề phòng và xử lý thật nhanh gọn “giặc mốc” để giữ món đồ da luôn bền đẹp với những cách đơn giản sau đây:

BẢO QUẢN ĐÚNG CÁCH ĐỀ PHÒNG NẤM MỐC

1. Yêu cầu về nơi cất trữ đồ da:

  • Không để đồ da sát nền nhà hoặc sát tường.
  • Không để nơi ẩm thấp
  • Không cất đồ da kín bên trong túi nilon hoặc túi pha nhiều thành phần nilon. Nên bảo quản sản phẩm trong túi dustbag chuyên dụng bằng vải không dệt hoặc cotton.

2. Kiểm tra tình trạng trước khi cất gọn:

  • Không cất đồ da khi còn ẩm ướt. Bạn cần lau kỹ và để nơi khô thoáng để bề mặt da khô tự nhiên. Tuyệt đối không sấy hoặc phơi nắng sẽ làm da khô nứt.
  • Luôn nhớ kiểm tra đồ đạc bên trong trước khi cất, tránh tình trạng để quên trái cây, đồ ăn… bên trong, sẽ tạo môi trường cho nấm mốc phát triển và dễ bị kiến, gián gặm nhấm.

3. Có biện pháp đề phòng nấm mốc trong mùa nồm:

  • Vào mùa nồm ẩm, bạn nên đặt bên trong 1 vài gói hạt chống ẩm chuyên dụng (có bán ở các siêu thị), hoặc túi vải nhỏ đựng vôi bột, bã trà khô… giúp hút ẩm.
  • Các sản phẩm da thật từ túi xách, giày, boots cho đến áo da… đều cần được dùng luân phiên. 
  • Nên định kỳ bảo dưỡng, tối thiểu 1 năm 2 lần để giữ cho đồ da luôn bền đẹp lâu dài.
  • Với túi ít khi sử dụng, bạn có thể nhồi báo bên trong vừa giúp giữ form, vừa chống ẩm hữu hiệu.

 

CÁCH TRỊ NẤM MỐC CHO ĐỒ DA

Nếu món đồ da bạn yêu thích bị mốc, việc đầu tiên là CÁCH LY, ngay lập tức! Bạn hãy kiểm tra xem túi chỉ bị mốc bên ngoài hay bào tử nấm đã ăn sâu vào trong thớ da (hãy kiểm tra miếng da thử đi kèm túi).

Tiếp theo, bạn test bằng việc nhỏ 1 giọt nước. Nếu nước từ từ ngấm vào da, bạn xử lý theo các bước từ (1) – (7), nếu nước hoàn toàn không ngấm, bạn có thể bỏ qua bước (4) và (5).

Bước 1: Chuẩn bị 1 chiếc bàn chải lông mềm, 1 khăn 100% cotton, dung dịch cồn 90 độ pha với nước tỷ lệ 1:1 hoặc dấm ăn, 1 tuýp kem chống nấm chứa ketoconazole, miconazole, hoặc terbinafine (ví dụ như nizoral, cannestene) và mang chiếc túi ra khu vực thoáng gió để “xử lý”.

Bước 2: Dùng khăn vải mềm lau gọn những đám nấm mốc, hạn chế loang ra những chỗ chưa bị nấm “ăn”. Sau khi lau sạch bằng khăn, dùng 1 chiếc bàn chải lông mềm kỳ cọ cẩn thận toàn bộ bề mặt túi, đặc biệt là những đường chỉ, góc túi, patch đính quai, khóa kéo và đừng bỏ quên những miếng da được trang trí hay phối trong lót túi.

Bước 3: Sau khi lau bề mặt, mà bạn vẫn thấy có vệt loang trên thân túi, tức là chiếc túi của bạn đã bị bào tử nấm ăn sâu vào trong, hãy dùng dung dịch cồn pha loãng hoặc dấm ăn hoặc dung dịch có tính tẩy rửa nhẹ, ít bọt, chà nhẹ và để khô nơi ánh sáng nhẹ, thoáng gió.

Bước 4: Kem trị nấm sẽ được bôi khi chiếc túi đã sạch nấm và để khô hoàn toàn. Thuốc trị nấm công nghiệp sẽ giữ sản phẩm của bạn được 6 tháng khỏi nấm nhưng gây độc hại tới sức khỏe. Nên bạn hãy dùng thuốc trị nấm dùng cho da người như ví dụ như nizoral, cannestene – nhẹ và lành hơn. Để kem nấm được thấm sâu vào từng thớ ra, hãy lấy chiếc bàn chải lông mềm sạch, bôi lớp kem mỏng và trà lên khắp bề mặt túi, đặc biệt là khe, kẽ, ngóc ngách của sản phẩm. Để chiếc túi đã được phủ kem nấm trong 2-3h rồi dùng khăn cotton lau sạch,bàn chải sạch kỳ cọ thật sạch.

Bước 5: Dùng si cùng mầu dạng kem đánh đều lên túi, dùng bàn chải lông mềm để tạo ma sát, si sẽ tan và ngấm vào từng thớ da. Với những chiếc túi mầu sắc thời trang, nếu không có si cùng mầu, bạn có thể dùng si trắng dạng kem hoặc kem dưỡng thể của mình để chăm sóc cho túi, túi vừa bóng mềm, sạch sẽ lại thơm tho nữa ^^

Bước 6: Nấm mốc sẽ để lại mùi hôi, nhỏ vào trong túi 1 giọt tinh dầu thông hoặc tràm, tùy sở thích ^^

Bước 7: Đừng vội cất túi, hãy sử dụng vài ngày trước khi cất vào tủ. Hơn nữa, hãy dọn và xử lý kỹ chiếc tủ “tội đồ” đã làm mốc túi của bạn trước khi cho túi trở lại chỗ cũ nhé.

68 Views